Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

CHÂU ĐỐC QUÊ MÌNH


   Chuyện cà kê
NẾP SỐNG CŨ CHÂU ĐỐC QUÊ MÌNH
Dương Văn Chung

Bây giờ chuyện hiện tại tôi hay quên, còn chuyện xa xưa lại nhớ. Những kỷ niệm về Châu Đốc quê mình ở tuổi học trò  đã hằn sâu trong đầu tôi.

Tôi ở nhà quê, năm 1948 mới ra tỉnh học, lúc 13 tuổi, vào học Lớp Dự bị (Cours Preparatoire), ở trọ với dì dượng Hai, chị và anh rễ của mẹ tôi, trên một cái nhà bè đậu bên cạnh bến đò Cồn Tiên (Đa Phước-Châu Đốc). Nhà bè này dì dượng tôi cất hồi ở trên Miên. Lúc bấy giờ dượng của  tôi làm Sa Viên, tức là chủ rạch, mỗi năm chánh quyền tỉnh sở tại cho mở cuộc đấu thầu đánh bắt cá cả một vùng sông rạch; người trúng thầu độc quyền đánh bắt cá trong vùng đó; trái lại họ có trách nhiệm đóng số tiền thầu cho chánh phủ. Sau mấy năm làm chủ rạch khấm khá và cũng do thời cuộc có nhiều biến động, dượng tôi dời cái nhà bè về Châu Đốc ở. Việc di dời không phải dễ dàng, phải theo chiều con nước, nước lớn thì neo nhà bè lại nghỉ, nước ròng chảy theo hướng từ Miên về Châu Đốc thì nhổ neo cho một chiếc “ca-nô” kéo. Rốt cuộc cái nhà bè đã an toàn đậu bến Cồn Tiên. Hồi đó không cần mua hay mướn bến đậu. Một cây cầu ván bắc dọc theo nhà bè để lên bờ. Ở nhà bè rất thoáng mát, chung quanh là nước, không khí trong lành, không bụi bặm, không sợ thiếu nước uống hay nước giặt giũ, gần gũi với thiên nhiên, lục bình trôi tắp ở quanh nhà, cá lội nhởn nhơ dưới  nước. Ở trên Miên, lưu vực biển hồ, nước thường ngập cao hơn mặt đất, nhà đều có sàn cao hoặc là nhà bè. Cất nhà bè khá tốn kém, phải làm khung gỗ phía dưới để dồn tre hoặc thùng phuy, bên trên lót sàn bằng ván, đóng vách ván, lợp lá hoặc lợp tôn.

Trên bờ Cồn Tiên có bến đò ngay trước đình làng Đa Phước, có khu quán lá bán hủ tiếu, khách vãng lai tấp nập. Đi lên theo hướng tay phải là đi về Hà Bao, Phước Hưng, Đồng Cô Ki, Khánh An, Bình Di, biên giới Miên, còn hướng về bên trái có trại cưa, chùa Phật và đi về Bắc Đai, Vung Thăng.

Từ nhà bè của dì dượng nhìn ra sông chảy ngang qua chợ Châu Đốc, bên bờ kia thật là nhộn nhịp tàu và ghe xuồng. Những cái cầu tàu để tàu chạy bằng hơi nước có ống khói lớn hoặc những chiếc “ca-nô” tàu đò đậu. Bên hông cầu tàu, có rất nhiều xuồng ba lá, xuồng tam bản chở nông thủy sản từ vùng thôn quê lân cận ra chợ bán hoặc mua sắm chút ít hàng hóa cần thiết cho gia đình. Vào khoảng tháng tư âm lịch, những chiếc tàu đò trên mui treo cờ đuôi nheo đủ màu phất phơ trước gió, đưa khách đi lễ Vía Bà Chúa Xứ ở Núi Sam. Khách hành hương rất tin tưởng Bà, họ đến vay tiền Bà một đồng bạc lấy hên đề làm ăn, làm ăn khá năm sau họ đến trả nợ, cúng tạ lễ, rồi lại vay vốn mới.

Ghe lớn. ghe nhỏ neo giữa dòng sông. Ghe chành mua gom lúa. Cũng có những chiếc ghe lớn chở gạo bán cho những ghe nhỏ bán lẻ. Lúa gạo đong bằng cái thùng thiếc hình trụ tròn, dung tích 20 lít, gọi là cái táo, hai táo là một giạ. Mỗi lần đong một táo, người đong hô “thẻ”, người bán trả lời “có”, rồi trao cho người mua một cái thẻ bằng tre dẹp, bề ngang chừng hai phân, bề dài độ 2 tấc, thường ở một đầu sơn đỏ, có khoét một lỗ tròn để xỏ dây chì treo một chùm trên vách ghe khi không sử dụng. Sau khi đong lúa gạo xong, người ta đếm thẻ, bao nhiêu thẻ là bấy nhiêu táo. Ai muốn mua gạo giá rẻ, lựa gạo ngon thì bơi xuồng ra mua ở các ghe bán lẻ ở giữa sông.
Những chiếc đò ngang đưa khách đi chợ và đón khách về. Một chiếc đò lớn có máy, của chủ thầu bến đò, gọi là đò chủ hay đò lớn, thu tiền của khách mỗi chuyến 5 cắc. Một chiếc xe đạp tính tiền đò bằng giá biểu một người đi. Học sinh được miễn phí như điều lệ của chánh phủ qui định.

Đò tư nhân là những chiếc tam bản nhỏ, có hai cây chèo ở phía sau lái, thu tiền đò 1 đồng, họ giữ lại phần mình 5 cắc, còn 5 cắc nộp cho chủ đò, tức là người trúng thầu đò của chánh phủ. Các cô lái đò thường mặc đồ bà ba, đội nón lá, hai tay chèo rất đều đặn, hai chân bước tới bước lui rất nhịp nhàng như khiêu vũ, điệu cha-cha-cha.
Ở khu vực chợ Châu Đốc có ba bến đò: bến Cồn Tiên-Chợ Châu Đốc; bến Châu Giang-Đình Châu Phú (thờ thần Nguyễn Hữu Cảnh); bến bắc Châu Giang-Nhà thờ Châu Đốc  đưa đón người và xe hơi. Chỉ có một chiếc bắc nhỏ. Xe hơi phải bóp còi để gọi chiếc bắc đang đậu bờ bên kia, xe nhà binh thường bắn chỉ thiên ba phát, đạn thiếu gì, bắn để vừa kêu đò vừa thị oai!

Rời đò Cồn Tiên lên bến chợ gặp ngay chợ gà, bán gà sống. Rẽ về phía phải là cầu kinh Ông Cò, dinh trường tiền, thành lính tập, tiệm rượu, kinh Vĩnh Tế. Rẽ về phía trái là phố xá, chùa Ông Bổn, chợ cá, nhà lồng chợ, đình thần, bến đò Châu Phú-Châu Giang, Bưu Điện, Ty Công Chánh nằm trong khuôn viên Tòa Bố (Tòa Hành chánh tỉnh), Tòa án, Nhà lớn của gia đình họ Lê,  bệnh viện, lò heo, cô nhi viện, bến bắc, nhà thờ.

Kinh Ông Cò là kinh đào,  ở ngoài vàm có một cây cầu lót ván, nhưng khá kiên cố, xe hơi nhà binh có thể chạy qua và đầu trong của kinh có cây cầu sắt. Ở cầu Kinh Ông Cò có bán mía ghim, bánh trái, chiều chiều thanh thiếu niên thường qui tụ ra đó, đứng dọc lan can cầu, vừa ăn quà, vừa hóng mát và nói chuyện cà kê. Về sau, nhà bè của dì dượng tôi dời qua đậu tại Vàm Kinh Ông Cò cho gần chợ để chằm lá lợp nhà bán cùng với các vật liệu xây cất khác như tre, tầm vong, cây tràm …v.v. Còn gia đình thì cư ngụ trên một chiếc ghe lớn, chiều dài hơn 10 mét. Vì lý do an ninh, đồng bào ở nông thôn tản cư về chợ Châu Đốc, cũng sống chật hẹp trên những chiếc ghe đậu dọc theo hai bờ kinh Ông Cò, chừa đường nước giữa kinh để cho ghe xuồng thông thương.

Trên bờ kinh bên nầy, tiếp theo cửa hông dinh Trường tiền là nhà của Ông Kinh lý, nhà Thầy Ba Khải làm việc ở Ty Công Chánh, Thầy Hai Trinh làm ở Tòa Bố. Thầy Ba Khải có nhiều con gái, con trai, người nào cũng dễ coi, riêng chị Lệ Quí đẹp và giống hệt như thiếu nữ trong tranh vẽ chân dung của Họa sĩ Lê Trung. Thầy Trần Công Tuấn, giáo sư Anh văn của Trường Thủ Khoa Nghĩa có diễm phúc cưới được chị Lệ Quí. Có lẽ nên dành một phút để nói về danh xưng một số công chức hồi trào Pháp. Trưởng Ty Công chánh gọi là Ông Trường Tiền, Trắc Lượng Viên đo đạc đất đai gọi là Ông Kinh Lý, kỷ sư được tôn xưng là bác vật, thư ký là Thầy ký hay là Ký lục, thông dịch viên là Thầy thông hay Thầy Thông ngôn…v.v.

Chiều chiều Ông chánh về Tây,
Cô Ba ở lại lấy Thầy Thông ngôn,
Thông ngôn Ký lục bạc chục không thèm,
Lấy chồng thợ bạc đeo vàng đỏ tay.

Ở bờ kinh bên kia có hai Tiệm Cầm đồ Huỳnh Hoa, Huỳnh Hương và mấy dãy phố đường Thượng Đăng Lễ. Đói diện với hai tiệm cầm đồ có dãy “cầu tiêu máy”. Gọi là “cầu tiêu máy” thật ra là cầu tiêu hầm, có thùng chứa phân phía dưới. Mỗi tuần có một ông già đến gánh phân đem xuống một chiếc tam bản lớn, ra ngả ba sông Châu Giang-Châu Đốc, phía dưới cầu quan đổ. Nhiều người lớn răn đe trẻ con “nhỏ mà không học lớn đổ thùng bô”, con nít cố gắng học hành vì sợ dốt nát phải cực khổ đi đổ thùng bô.

Tính từ Vàm kinh đi vô đến cây cầu sắt, con đường nối dài với đầu cầu bên trái dẫn đến khách sạn An Biên mới cất lúc sau nầy, Hội Bảo Trợ Nhi Đồng, Nhà Việc Châu Phú ngó ra Bồ Đề Đạo Tràng, Ty Thông Tin,  khu phố công chức, cuối đường thì gặp đường Bảo Hộ Thoại, quẹo phải nữa đi vào Núi Sam cách chợ Châu Đốc 5 Kílômét. Ở Núi Sam có miễu Bà Chúa Xứ, mộ Đức Phật Thầy Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, một quan đại thần có công chỉ đạo đào Kinh Vĩnh Tế. Từ đầu cầu bên phải thẳng tới gặp một ngả ba. Nếu đi thẳng gặp nhà Thầy Phan Cao Nhựt bên phải, nhà Thầy Thái Văn Thân bên trái, còn nếu từ ngả ba đó quẹo phải sẽ gặp trường Trung học Bán công Nguyễn Hữu Cảnh, trường Trung học công lập Thủ Khoa Nghĩa và trường Nam Tiểu học.

Nói đến trường xưa, tôi chạnh nhớ đến quý thầy cô đã tận tâm đào tạo bao nhiêu thanh thiếu niên trở thành hữu dụng cho xã hội, quý vị hết sức nghiêm khắc, nhưng thương học sinh như con ruột. Trong mấy tháng nghỉ hè, có nhiều thầy như Thầy Lê Văn Vững, Thầy Mô, Thầy Tính…đã mở lớp dạy thêm hoàn toàn miễn phí cho học sinh. Nhớ vào khoảng đầu năm 1949 có trên dưới ba mươi giáo viên Châu Đốc bị bắt giam tại bót lính kín vì bị tình nghi có hoạt động bí mật chống Pháp. Tôi lại nhớ đến các bạn đồng môn vui nhộn, hay lén đặt cho người khác các biệt danh: anh E Hàn Mặc Tử, vì anh bị di truyền bệnh phong đơn; chị “Hoa Mắt Mèo” có đôi mắt lộ với lông mi cong dưới đôi chân mày vòng nguyệt để phân biệt với “Hoa Nhái Bầu” cũng rất đẹp đẽ, nhưng có thân hình tròn trịa. Các bạn cũng hay phá phách đến nỗi mang tiếng “ nhứt quỷ nhì ma thứ ba học trò”, bị thầy Trần Sun cho đứa đứng đầu sổ 2 con “số không” to tướng, rồi xổ toẹt từ đầu trang đến cuối trang sổ, đứa nào cũng ăn hai “trứng vịt ung”, khi hết giận, Thầy nhờ Thầy Non, Giám thị lấy nước tẩy cò-réc-to xóa giùm.

Sống trên ghe của dì dượng nơi bờ Kinh Ông Cò, đậu chen chút với những chiếc ghe tản cư khác, tôi cũng có nhiều kỷ niệm vui vui, như chuyện ông Hương Văn và chuyện Quay máy hát dĩa.

Ghe ông Hương Văn đậu ngay phía trước ghe của dì dượng tôi. Chỗ thân tình hàng xóm, tôi luôn trân kính gọi ông là Chú Ba. Hương Văn là chức sắc của chú trong Ban Hương chức Hội tề làng Mỹ Đức. Dáng người ốm yếu, chiều cao trung bình. Lúc bấy giờ tóc chú đã bạc nhiều, búi tó sau ót. Chú rành chữ nho và chữ Việt, sống rất mực thước, luôn đôn đốc con cái học hành.

Độ bốn năm giờ sáng tôi đã thức dậy học bài, đọc thầm chớ không đọc thành tiếng. Khi nhìn thấy ánh đèn bánh ú thắp bằng dầu hôi leo lét bên ghe dì dượng tôi, biết tôi đang học bài, chú nhịp roi xuống ván ghe nghe rốp rốp và giục:
-Đởm, Đương, Thức thức dây học bài.

Tiếp theo, tôi nghe tiếng chú khen ngợi tôi siêng năng học hành và bảo mấy đứa con chú noi theo gương tôi. Tôi rất ái ngại ba đứa con của chú, vốn là bạn thân tình hàng xóm, sanh ra tị hiềm tôi.

Đởm đá banh giỏi, được tuyển chọn vào đội banh Châu Đốc. Mỗi lần có trận đá banh, biết thế nào cũng có Đởm tham dự, sợ nó bị gẫy tay gẫy chưn, chú đứng chờ ở ngõ vào sân vận động Châu Đốc với cây dù có cán cong như cái cù nèo. Xe đưa đoàn cầu thủ đến, chạy thật chậm vào cổng sân vận động vì sợ gây tai nạn cho người đi coi đá banh, nhìn vào thấy Đởm, chú lấy cù nèo dù móc kéo Đởm xuống. Những lần sau Đởm lẻn trốn vào sân vận động theo lối khác.

Còn chuyện quay máy hát. Tôi thường thức học bài đến giữa khuya, mới vừa chợp mắt ngủ được một lát, dượng Hai của tôi gọi:
-Thức dậy quay máy hát nghe mầy.

Tôi ngồi dậy, ngáp dài, bưng cái máy hát dĩa quay tay hiệu Columbia hạng nhứt ra, mở nắp máy, đặt một dĩa nhựa loại lớn 45 vòng hiệu Asia nằm trên giá dĩa tròn vừa vặn với dĩa nhựa, giá dĩa tròn này quay chung quanh một cái trục làm cho dĩa quay theo. Tôi kéo cần quay lên dây thiều, cho dĩa chạy, nhấc đầu máy lên đưa đầu mũi kim hát máy vào vòng ngoài cùng của dĩa. Tiếng nghệ sĩ Út Trà Ôn trầm ấm, vang lên giữa đêm trường lặng lẽ:

-Nhìn trời hiu quạnh, rừng đêm sương gió lạnh. Chốn quê nhà lòng chạnh nỗi niềm riêng. Em ơi muôn dặm xa xôi xin em giữ vẹn hương nguyền để cho người cô lữ khỏi mang niềm tủi hận…
Thâu canh hồn ngơ ngẩn nhìn ánh trăng khuya soi lặng lẽ giữa đêm trường… Cảnh vật mơ màng say giấc điệp giữa trời sương.
Chạnh nỗi lòng người viễn khách cô đơn ngoài biên ải lạnh lùng sầu vương theo ngọn gió…

Đó là câu đầu của bài ca vọng cổ 6 câu “sầu Vương Biên Ải” của sọan giả Thái Thụy Phong, nội dung chuyển tải nỗi niềm thương nhớ người vợ trẻ của một thanh niên  đang trấn thủ biên cương bảo vệ đất nước.

Dân miền tây thích cổ nhạc, không ai phiền hà gì chuyện quay máy hát giữa đêm khuya.

Có rất nhiều bộ dĩa như Thứ Ba San Hậu, Mỗ Tim Tỷ Cang, Tiết Đinh San Phàn Lê Huê, Lưu Kim Đính Giải Giá Thọ Châu, Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ, Tôn Tẩn giả điên, Quan Âm Thị Kính, Hoa Rơi Cửa Phật…và những bài ca vọng cổ như Đêm Đông, Sầu Vương Biên Ải…v.v.

Thỉnh thoảng nghe tiếng hát bắt đầu nhừa nhựa báo hiệu máy sắp hết dây thiều, tôi kéo cần quay quay dây thiều lên cho tiếng hát rõ lại.
Dĩa hát đi hát lại nhiều lần, đường rảnh bị mòn, cây kim máy hát không nhảy qua được đường rảnh kế, tiếng hát cà lăm, tôi phải nhấc nhẹ đầu máy lên, cho cây kim qua đường rảnh kế, tiếng hát tiếp tục trở lại, suông sẻ binh thường.

Kim máy hát xài lâu bị lụt, làm cho tiếng hát bị rè, phải thay kim khác. Nếu hết kim mới, tôi phải mài kim cũ bằng miếng đá bùn màu xám xanh.
Máy hát dĩa Columbia hạng nhứt, quay tay là phương tiện giải trí được ưa chuộng lúc đó, hát tại nhà, trên ghe tàu,  trong đám giỗ, đám nói, đám cưới…v,v,

Tôi đưa quý vị đi vòng vòng, chắc đã mỏi chưn và đói bụng, bây giờ mình ghé thăm nhà lồng chợ và khu vực chung quanh, trước khi dùng bữa trưa.

Học sinh Châu Đốc chắc không thể quên được rạp hát Lạc Thanh, ngang đầu trong nhà lồng chợ, nơi mà năm nào cũng có lễ phát phần thưởng cho học sinh Tiểu học cũng như Trung học trước sự chứng kiến của Tỉnh Trưởng hay đại diện và những thân hào nhân sĩ trong tỉnh. Để tăng phần long trọng cho những phần thưởng cao quý, ban tổ chức xướng danh: đây là phần thưởng do Đức Từ Dụ hay Đức Quốc Trưởng Bảo Đại ân tứ, còn đây là phần thưởng do Thủ Tướng chánh phủ ban tặng…Tặng vật gồm có rất nhiều từ điển, sách truyện, radio, đồng hồ…v.v.Nhà nhiếp ảnh Ngô Biện đặt sẵn cái máy chụp hình trùm miếng vải đen,  quay ống kính về phía sân khấu, mỗi lần chụp anh chung vào trong miếng vải đen, tay cầm sợi dây điện để bấm, tiếng máy chạy rè rè…, rắc, một tia sáng chớp, đã được một tấm hình đẹp. Trong lễ phát phần thưởng, có những màn văn nghệ giúp vui rất lành mạnh, đặc sắc, có tính cách giáo dục. Ngoài những bài đơn ca, hợp ca, còn có những vỡ kịch như Sự tích trầu cau, Trọng Thủy Mỹ Châu, Sơn Tinh Thủy Tinh, Lưu Bình Dương Lễ…v.v.

Đi vào nhà lồng chợ. Trong nhà lồng chợ bán đủ thứ hàng hóa, nhưng nhiều nhứt là ở đầu trong bán mắm các loại, như mắm cá sặt, cá chốt, cá trèn, cá lóc để da, mắm thái cá lóc bỏ da và xắt miếng nhỏ vừa ăn trộn đu đủ bào sợi ngâm nước mắm, mắm ruột làm bằng đồ lòng, trứng cá ăn béo ngậy; đầu ngoài bán hàng vải đủ loại, đặc biệt  có lãnh Mỹ A, hàng cẩm tự, lụa dệt bằng tơ tằm, có bán cả vải may xà-rong cho người Miên, người Chăm, xọc ngang, xọc dọc đủ màu rất đẹp. Phía trước nhà lồng đầu ngoài là chợ chồm hổm, bạn hàng ngồi bán đủ loại hàng trên các sạp thấp bằng gỗ.

Ai muốn đi ăn cao lương mỹ vị thì mời đến Quán Bảy Bồng trong nhà lồng chợ, Bar Nam Hiệp ở giữa đầu trong nhà lồng chợ và Bồ Đề  Đạo Tràng hoặc Nhà hàng tàu ở bên hông nhà lồng chợ. Túi tôi hơi nhẹ, tôi chọn một trong hai món ăn vừa rẻ tiền vừa ngon miệng là món bún nước lèo nấu theo cách của người Miên với cá, ngải bún, nghệ, xả, ớt hoặc ăn hủ tiếu hấp với bì và nước cốt dừa, chan nước mắm chanh tỏi ớt, giá chỉ có một đồng bạc một tô. Tôi chọn thức uống là nước thốt lốt, ngọt lịm và thơm mùi khói, do người Miên từ Tri Tôn, Nhà Bàng…gánh ra bán. Ban đêm có xe hủ tiếu mì, hoành thánh đẩy bán trong xóm, một người đàn ông đẩy xe, hơi nóng từ nồi nước lèo lớn trên xe bốc lên nghi ngút, một thằng nhỏ cầm hai thanh tre ngắn gõ vào nhau “lắc-cắc-cụp”, thay cho tiếng rao hàng; một ông già người Hoa xách một cái nồi màu xanh, bán “chí mà phủ”, chè mè đen hay “lục-tào-xá”, chè đậu xanh, có để bột vỏ quit rất thơm.

Sự vật đổi thay không ngừng nghỉ theo dòng chảy cuộc đời, nhưng nhà lồng chợ và phố xá Châu Đốc vẫn cũ kỷ, dân cư đông đúc hơn trước, đường xá chật hẹp, xô bồ, kinh Ông Cò đã cạn và đã được lấp bằng để xây cất nhà ở trong thời buổi tấc đất tấc vàng.

 nhachoCD.jpg     20130120_145625
                                Chợ Châu Đốc                                                   Cầu Kinh Ông Cò ngày nay với nhà cửa cất trên kinh đã lấp

Thị xã lúc gần đây có xây được một cây cầu đúc Cồn Tiên, bắc ngang sông chợ Châu Đốc-Cồn Tiên, khoảng giữa chợ và kinh Vĩnh Tế, thuận tiện cho xe cộ lưu thông, nhưng cây cầu đó cũng làm cho đời sống dân cư có nhiều thay đổi.

   20130120_144032 20130120_145612
            Cầu Cồn Tiên                                                            Cụm nhà bè nuôi cá

Còn đâu nữa những chuyến đò chủ ì xèo kẻ đứng người ngồi, áo trắng, áo xanh, áo đỏ, giọng cười tiếng nói vui tai,  đò nhỏ chỉ còn lai rai vài chiếc để đưa khách muốn đi nhanh qua chợ, khỏi cuốc bộ một vòng qua cầu; ghe mua bán không còn đông ken neo đậu giữa dòng sông như trước, thay vào đó là những cụm nhà bè nuôi cá; các trường đã xây cất lại; con đường vào Núi Sam, nhà cất hai bên đường bít kín gió đồng mát mẻ và ruộng lúa xanh tươi; người già đã qui tiên, tốp trẻ sanh sau lạ hoắc, người cũ trở về xứ sở ngơ ngác như hai chàng Lưu, Nguyễn ngày xưa.
Nhà văn Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa có lần ấm ức than phiền rằng anh muốn chụp một tấm hình ngôi Trường Thủ Khoa Nghĩa để kỷ niệm, người giữ trường không cho, viện cớ:
-Người nước ngoài thấy hình ảnh trường quá cũ sẽ chê cười.

Có lẽ người giữ trường này không biết người phương tây thích sưu tầm đồ cổ và cũng chưa  thông cảm được với người Việt ly hương, càng cũ càng quý, càng có giá trị kỷ niệm cao.

Tình dài mà giấy cũng đã dài, xin mượn mấy vần thơ để tạm ngừng chuyện cà kê..

                        Chiều chiều ra đứng ngỏ sau,
Trông về quê cũ dạt dào nhớ thương.
Lòng khắc khoải, vấn vương nếp cũ,
Chuyện cà kê chưa đủ đâu anh.
Đã dài ngưng lại, thôi đành!
Phải dùng ba chấm để dành viết thêm.

                                                            Sydney, 08/01/2013
                                                Dương Văn Chung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét